Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam qua 94 năm hình thành và phát triển.
Từ tổ chức công đoàn đầu tiên mang tên Công hội đỏ Bắc kỳ cho đến nay, Công đoàn Việt Nam cùng với giai cấp đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công nhân nêu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bến Tre diễn ra vào tháng 6/2023 . (Ảnh: Trương Hùng)
Từ Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, nhiệm kỳ 1929 – 1935, do Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập vào ngày 28/7/1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội thông qua Chương trình, Điều lệ của Công hội, quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ.
Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời có ý nghĩa to lớn, trở thành tổ chức Công đoàn Việt Nam đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân và giai cấp công nhân Việt Nam. Tổng Công hội Đỏ đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh chống áp bức bóc lột, đấu tranh cách mạng để giành độc lập cho dân tộc. Các cuộc đấu tranh đã thu hút đông đảo công nhân của nhiều ngành ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Biên Hoà, Hà Tiên, Pleiku, Sài Gòn, Gia Định, Quảng Nam,… tham gia và giành được những thắng lợi nhất định.
Kể từ sau Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, tên gọi của công đoàn đã có một số lần thay đổi, đã có một số tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Giai đoạn 1936 – 1939, công đoàn lấy tên gọi là Nghiệp đoàn Ái hữu. Giai đoạn này, mục tiêu của Nghiệp đoàn Ái hữu là đòi tự do nghiệp đoàn, đòi thực hiện dân sinh dân chủ, nhằm tập hợp quần chúng rộng rãi…, có hàng vạn cuộc đấu tranh của công nhân buộc thực dân Pháp phải chấp nhận một số yêu cầu: tăng lương, giảm giờ làm, tự do hoạt động nghiệp đoàn, tự do hội họp, chống chủ sa thải và đánh đập công nhân.
Giai đoạn 1939 – 1941, công đoàn lấy tên gọi là Hội Công nhân phản đế, với nhiệm vụ là đấu tranh bảo vệ lợi ích hàng ngày của công nhân, làm cách mạng lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến, giải phóng giai cấp và dân tộc, lãnh đạo các cuộc bãi công. Giai đoạn tiếp theo, 1941 – 1946, lấy tên gọi là Hội Công nhân cứu quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hình thức tổ chức thích hợp, mục tiêu đấu tranh rõ ràng, phong trào công nhân cứu quốc phát triển mạnh mẽ ở Bắc kỳ, Trung kỳ, nhất là ở các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai. Tháng 8/1945, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng với nhân dân cả nước đánh đổ phát xít Nhật và chính quyền phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đến giai đoạn 1946 – 1961, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, ngày 20/6/1946, Hội nghị Cán bộ công đoàn cứu quốc toàn quốc đã quyết định đổi tên “Hội công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn” và thành lập “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Công đoàn các cấp đã động viên công nhân tham gia chiến đấu, vận động công nhân xây dựng cơ sở sản xuất, phục vụ kháng chiến lâu dài, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Từ ngày 23 đến ngày 27/2/1961, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam (họp từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988) đã quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam trở lại thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và duy trì tên gọi này cho đến ngày nay.
Công nhân tham gia sản xuất góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: Trương Hùng)
Trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, với 12 kỳ Đại hội, tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Tại mỗi kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam đều đề ra mục tiêu hoạt động cụ thể, sát với mục tiêu của Đại hội Đảng và tình hình thực tế của đất nước. Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam, diễn ra từ ngày 01 đến ngày 15/01/1950, đã quyết nghị về nhiệm vụ trước mắt của Công đoàn đối với đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng. Đại hội II đã thông qua những biện pháp phối hợp để thực hiện đường lối, chính sách mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã vạch ra về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Các kỳ Đại hội tiếp sau đó đều đưa ra mục tiêu hoạt động cụ thể.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, họp từ ngày 24 đến ngày 26/9/2018, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu “Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam qua các kỳ Đại hội cũng gia tăng dần, từ 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết ở kỳ Đại hội lần thứ I đã tăng dần lên 55 ủy viên (Đại hội II), rồi 72 ủy viên (Đại hội III), và nhảy vọt lên 155 ủy viên ở kỳ Đại hội IV,… và đến Đại hội XII (nhiệm kỳ 2018-2023) số ủy viên được bầu là 161 người, so với danh sách dự kiến là 175 người.